Lượt xem: 899

Tăng mức hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện: Hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhiều nhất

Từ ngày 1/1/2022, theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021 của Chính phủ, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng. Theo đó, mức Nhà nước hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện và mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu năm 2022 cũng tăng theo.

 


Đồng chí Đào Ngọc Ngưng (phải) - Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Sóc Trăng chia sẻ về quá trình tham gia BHXH tự nguyện cho con gái

    Theo Luật BHXH năm 2014, công dân Việt Nam từ đủ 15 tuổi trở lên, không nằm trong nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Khi tham gia BHXH tự nguyện, người tham gia được hưởng các quyền lợi như: Hưởng lương hưu hằng tháng khi về già; được cấp thẻ bảo hiểm y tế trong suốt thời gian hưởng lương hưu; được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia; thân nhân được hưởng chế độ tử tuất khi người tham gia qua đời.

    Người tham gia BHXH tự nguyện còn có thể lựa chọn mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng BHXH phù hợp với điều kiện tài chính của mình và được lựa chọn phương thức đóng rất linh hoạt: Đóng hằng tháng, hằng quý, sáu tháng, hằng năm hoặc đóng một lần cho nhiều năm. Ngoài các quyền lợi về lương hưu hằng tháng được xác định dựa trên mức đóng và thời gian tham gia của người lao động, mức lương hưu tiếp tục được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá sinh hoạt, tăng trưởng kinh tế và khả năng cân đối của quỹ BHXH từng thời kỳ. Đặc biệt, từ ngày 01/01/2018, Nhà nước thực hiện chính sách hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện theo tỷ lệ phần trăm trên mức đóng BHXH hằng tháng theo mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn. Cụ thể, với ba mức hỗ trợ 30% đối với người tham gia BHXH tự nguyện thuộc hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng còn lại. Đồng thời căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ sẽ xem xét điều chỉnh mức hỗ trợ tiền đóng cho người tham gia BHXH tự nguyện cho phù hợp. Đáng chú ý, Nhà nước bảo hộ quỹ BHXH và thực hiện các biện pháp để bảo toàn và tăng trưởng quỹ; bảo đảm mọi người tham gia đều được thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi theo quy định của pháp luật.

    Ngoài ra, đối với những người tham gia BHXH bắt buộc, khi đến tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng góp thì thay vì chỉ được hưởng BHXH một lần như trước đây, có thể đóng tiếp BHXH tự nguyện và lựa chọn phương thức đóng một lần cho những năm còn thiếu để được hưởng ngay lương hưu.

    Chính sách BHXH tự nguyện được thực hiện đã đem lại lợi ích rất rõ, đó là cơ hội cho tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được chính sách hưu trí - lương hưu khi về già. Những quy định trên cho thấy, chính sách BHXH tự nguyện thực sự là một chính sách ưu việt của Nhà nước ta.

    Theo quy định của Luật BHXH, mức đóng BHXH tự nguyện hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Từ ngày 1/1/2022, mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn tăng từ 700.000 đồng lên 1,5 triệu đồng/tháng theo quy định chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 của Chính phủ, do đó mức đóng BHXH tự nguyện cũng thay đổi. Theo đó, mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng (22% x 1.500.000 đồng), tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện của năm 2021 (chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn năm 2021 là 700.000 đồng).

    Cùng với việc điều chỉnh tăng mức đóng tối thiểu, số tiền Nhà nước hỗ trợ đối với người tham gia BHXH tự nguyện cũng tăng lên. Đối với người tham gia thuộc hộ nghèo số tiền hỗ trợ tăng từ 46.200 đồng lên 99.000 đồng/tháng (tăng 52.800 đồng); với hộ cận nghèo số tiền hỗ trợ tăng từ 38.500 đồng lên 82.500 đồng/tháng (tăng 44.000 đồng) và các đối tượng khác số tiền hỗ trợ tăng từ 15.400 đồng lên 33.000 đồng/tháng (tăng 17.600 đồng). Đối với mức đóng tối đa, đến nay do chưa thực hiện cải cách tiền lương, nên mức lương cơ sở năm 2022 vẫn là 1.490.000 đồng/tháng, vì thế, mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là 29,8 triệu đồng/tháng (20 lần mức lương cơ sở).

    Cụ thể, mức đóng BHXH tự nguyện tối thiểu sau khi áp dụng mức hỗ trợ đóng của Nhà nước như sau:

  

    Đặc biệt, khi Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn nghèo của khu vực nông thôn trong thời gian mà người tham gia BHXH tự nguyện đã đóng trước đó theo phương thức đóng 3 tháng, 6 tháng hay 12 tháng hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau, thì người tham gia không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.

    Đồng chí Đào Ngọc Ngưng – Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Dân vận Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Sóc Trăng chia sẻ: “Tham gia BHXH tự nguyện có nhiều quyền lợi như được hưởng lương hưu hằng tháng khi hết tuổi lao động, được chăm sóc sức khỏe khi về già, được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng BHXH tự nguyện, thời gian tham gia lâu dài, liên tục thì mức thụ hưởng sẽ cao hơn… nên tôi đã tham gia BHXH tự nguyện cho đứa con ngay khi đang học đại học, với mức đóng khoảng 500.000 đồng/tháng. Từ ngày 1-1-2022, mức đóng BHXH tự nguyện có tăng lên theo quy định chuẩn nghèo mới của Chính phủ, nhưng mức hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHXH cũng tăng lên nên mức tăng này không đáng kể, có thể tiết kiệm được để tham gia BHXH tự nguyện cho con tôi, tích lũy thời gian đóng BHXH để con tôi sau này đi làm được hưởng các chế độ theo quy định”.

    Theo đồng chí Nguyễn Thảo Nguyên - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Sóc Trăng, từ ngày 1/1/2022, mức hỗ trợ tiền đóng của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện tăng lên, trong đó đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ nhiều nhất. Điều này đã minh chứng chính sách BHXH tự nguyện đặt trong bối cảnh COVID-19 diễn biến phức tạp có một ý nghĩa đặc biệt. Bởi lẽ, do ảnh hưởng của COVID-19, nhiều người lao động bị mất việc làm, đời sống khó khăn, đặc biệt là những lao động tự do. Trong bối cảnh ấy, càng thấy rõ hơn những lợi ích, tính ưu việt của chính sách BHXH tự nguyện. Tham gia BHXH tự nguyện chính là "điểm tựa vững chắc" để người lao động tự do an tâm cho tương lai.

    Năm 2022, mức đóng BHXH tự nguyện đã có sự thay đổi. Điều này tác động trực tiếp đến hơn 15 ngàn người đang tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Đặt ra những khó khăn trong công tác duy trì và phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trong thời gian tới. Để phát triển BHXH tự nguyện bền vững, BHXH tỉnh Sóc Trăng xác định tiếp tục song hành nhiều giải pháp. Trong đó, tăng cường phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan truyền thông, cơ quan thông tấn, báo chí, cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh công tác truyền thông với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, hiện đại; tiếp tục chủ động phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu Tỉnh ủy ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện các quy định về BHXH, BHYT, tham mưu UBND tỉnh giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN, đặc biệt là BHXH tự nguyện, nhằm đẩy nhanh đối tượng tham gia trên địa bàn tỉnh, phấn đấu tiến tới mục tiêu BHXH toàn dân theo Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đề ra./.

CHÍ BẢO



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 67
  • Hôm nay: 9090
  • Trong tuần: 76,410
  • Tất cả: 11,860,599